Đăng nhập

Cổng TTĐT Phường Nam Đồng - TP Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Phường Nam Đồng

Theo văn bia còn lại ở các Đình làng và thống kê hiện nay, Nam Đồng có hàng chục dòng họ ở nhiều địa phương đồng bằng bắc bộ đến sinh nhai lập nghiệp vào các thời điểm khác nhau, cụ thể:

Thôn Khánh Hội có dòng họ Nguyễn, Đinh, Chu, Cao, Hoàng Lê, Đoàn, Vương, Đồng, Trần.

Thôn Nhân Nghĩa có các dòng họ: Đỗ, Cao, Lê, Hoàng, Nguyễn.

Thôn Phú Lương có 02 dòng họ lớn: Lê, Nguyễn.

Thôn Vũ La có các dòng họ: Đoàn, Phạm, Mạc, Bùi, Vũ, Phí, Dương, Đặng, Nguyễn, Đào.

Thôn Đồng Ngọ có các dòng họ Đào, Mạc, Hoàng, Nguyễn, Vũ.

Trải qua năm tháng với những thay đổi của tự nhiên và xã hội, từ khi tạo dựng lên làng xã đến nay, Nam Đồng đã nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, tên đất tên làng, theo hoàn cảnh từng thời kỳ lịch sử.

Sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công, thực hiện chủ trương của chính phủ cách mạng laamm thời bỏ đơn vị hành chính cấp tổng, phủ, thành lập xã, huyện mới, tổng Vũ La bị xóa bỏ và thành lập 02 xã Tiên Long và Ái Quốc. Xã Tiên Long gồm 3 thôn Khánh Hội, Nhân Nghĩa, Phú Lương. Xã Ái Quốc có thôn Đồng Ngọ, Vũ La, Vũ Thượng, Vũ Xá. Còn thôn Văn Xá của tổng Vũ La cũ về xã Hiệp Hòa.

Đầu năm 1947, để thống nhất lực lượng và sự chỉ đạo kháng chiến trên địa bàn quan trọng này, UB kháng chiến hành chính tỉnh Hải Dương quyết định hợp nhất các xã Tiên Long, Ái Quốc, Hiệp Hòa lấy tên là xã Ái Quốc. Xã Ái Quốc mới có 15 thôn: Khánh Hội, Nhân Nghĩa, Phú Lương, Vũ La, Đồng Ngọ, Vũ Thượng, Vũ Xá, Văn Xá, Tiền Trung, Tiền Hải, Đồng Pháp, thôn Đông, thôn Ninh, thôn Quan và Ngọc Trì.

Cuối năm 1956 theo quyết định của trên xã Ái Quốc chia tách thành 02 xã Nam Đồng và Ái Quốc. Xã Nam Đồng có 05 thôn: Khánh Hội, Nhân Nghĩa, Phú Lương, Vũ La, Đồng Ngọ. Xã Ái Quốc gồm 10 thôn: Vũ Thượng, Vũ Xá, Văn Xá, Tiền Trung, Tiền Hải, Đồng Pháp, thôn Đông, thôn Ninh, thôn Quan và Ngọc Trì. Cả 02 xã đều thuộc Huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Tháng 8/1958 Đại hội Đại biểu Đảng bộ Nam Sách lần thứ IV đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho năm (1958 - 1960) là: "Xây dựng Hợp tác xã Nông nghiệp - Hợp tác xã mua bán - Hợp tác xã tín dụng..." Thực hiện Nghị quyết của Huyện uỷ, trong thời gian ngắn dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đã vận động được 4.065 nhân khẩu với diện tích canh tác là 1.550 mẫu vào sinh hoạt, sản xuất trong 76 Tổ đổi công. Lấy Tổ đổi công thôn Vũ La do đồng chí Phí Văn Phao làm thí điểm.

Tháng 6/1958 Huyện uỷ quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Vũ La; Đây là Hợp tác xã Nông nghiệp đầu tiên của huyện Nam Sách và cũng là Hợp tác xã Nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hải Dương.

Điều vinh dự cuối năm 1958 Trung ương Đảng, Chính phủ cho phép Hợp tác xã kết nghĩa với Hợp tác xã (Đời sống mới) của nước Cộng hoà Hung - Ga - Ri; Từ đó cho đến sau này Hợp tác xã Vũ La - Hợp tác xã Nam Đồng luôn gắn liền với tên gọi "Hợp tác xã Việt - Hung hữu nghị".

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Nam Sách, chi bộ xã Ái Quốc trước đây - Chi bộ Nam Đồng sau này; Nhân dân ta đã được đón Bác Hồ về thăm sau Kháng chiến chống Pháp. Nay xây dựng hợp tác xã lại được đón các đồng chí Lê Duẩn, Đ/c Trường Chinh, Đ/c Phạm Văn Đồng, Đ/c Phạm Hùng, Đ/c Võ Nguyên Giáp, Đ/c Nguyễn Chí Thanh, Đ/c Lê Thanh Nghị cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, động viên Đảng bộ và nhân dân trong xã.

Với "Sự kiện Vịnh Bắc bộ" đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, cấp uỷ các Chi bộ, nhân dân Nam Đồng chuyển từ thời bình sang thời chiến. Từ sản xuất, chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, nhiệm vụ nào, người dân quê ta cũng sáng ngời phẩm chất cao quý. Toàn xã có 12 đội sản xuất thì ruộng canh tác của cả 12 đội đều bị bom Mỹ "cày phá", lực lượng xung kích vẫn "Tiếng hát át tiếng bom" "Tay cày tay súng", "vừa sản xuất vừa chiến đấu".

Những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt nhất (năm 1967); Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Nam Đồng vẫn bình quân năng suất lúa 5,8 tấn/ha. Trong 10 năm (1965 - 1975) địa phương đã đóng góp cho Nhà nước 30.000 tấn lương thực, hơn 40 tấn thực phẩm, ủng hộ hàng chục tấn hoa quả, rau xanh cho các đơn vị thường trực chiến đấu tại địa phương.

Từ năm 1976 đến nay khu vực cầu Phú Lương thuộc địa bàn thôn Nhân Nghĩa hình thành khu Tân Lập gồm những hộ gia đình cán bộ công nhân viên chức trường cao đẳng nghề giao thông vận tải đường thủy 1 và một số hộ thôn Nhân Nghĩa, Khánh Hội ra đó ở.

Thực hiện Nghị định số 30/2008/NĐ-CP ngày 19/3/2008 của Chính Phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng để mở rộng thành phố Hải Dương, xã Nam Đồng cùng với các xã Ái Quốc, An Châu, Thượng Đạt của huyện Nam Sách chuyển về thành phố Hải Dương. Hiện nay xã Nam Đồng có 05 thôn Khánh Hội, Nhân Nghĩa, Phú Lương, Vũ La, Đồng Ngọ và khu dân cư Tân Lập thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Thực hiện Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 ngày 16/10/2019 của Ủy ban thường vụ quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương. Thành lập phường Nam Đồng trên cơ sở toàn bộ 8,89km2 diện tích tự nhiên và dân số 10.675 người của xã Nam Đồng. Phường Nam Đồng giáo các phường Ái Quốc, Ngọc Châu, Nhị Châu, các xã An Châu, Quyết Thắng, Tiền Tiến và xã Đồng Lạc huyện Nam Sách.

- Những đặc điểm chính của địa phương (về điều kiện tự nhiên, xã hội, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất)

+ Những đặc điểm chính: Nam Đồng là xã thuộc vùng đồng bằng sông Hồng nằm ở phía Đông Bắc thành phố Hải Dương, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, với tổng diện tích tự nhiên là 889.46 ha, dân số: 10.675 người sống tại 5 thôn và khu dân cư Tân Lập. Phía Bắc giáp Xã An Châu TPHD, xã Đồng Lạc - huyện Nam Sách; Phía Nam giáp xã Tiền Tiến - huyện Thanh Hà; Phía Đông giáp xã Quyết Thắng- huyện Thanh Hà, phường Ái Quốc - Tp. Hải Dương; Phía Tây giáp phường Ngọc Châu, Nhị Châu - Tp. Hải Dương.

Xã có vị trí thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố Hải Dương, hướng Hải Phòng - Hà Nội. Giao thông đường bộ: Quốc lộ 5, Tỉnh Lộ 390 và tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chạy qua. Giao thông đường thủy: phía Tây của xã có 6 km sông Thái Bình, phía đông, phía nam có 07 km sông Hương. Đây là điều kiện, động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã.

+ Điều kiện tự nhiên: Về địa hình toàn xã thấp dần từ Tây sang Đông, xã có địa hình tương đối bằng phẳng chênh lệch không đáng kể. Về khí hậu: Thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm 23o C. Mưa: Lượng mưa trung bình năm từ 1.500-1.700mm. Mưa theo mùa, tập trung chủ yếu vào tháng 6,7,8. Do có mưa nhiều, gây úng nội đồng. Về thuỷ văn: Trên địa bàn xã mật độ sông, ngòi khá dày. Chế độ thuỷ văn của xã phụ thuộc nhiều vào chế độ thuỷ văn của sông Thái Bình. Hệ thống kênh mương khá phát triển, phân bố đồng đều trong xã. Trữ lượng nước ngầm khá dồi dào tại các giếng khoan đạt từ 30-50 m3/ngày đêm.

Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 889.46 ha được phân bố sử dụng như sau: Đất nông nghiệp: 448.04ha ( bao gồm đất sản xuất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản). Đất phi nông nghiệp: 440.97 ha (bao gồm đất ở, đất chuyên dùng, đất cơ sở tôn giáo, đất tín ngưỡng, đất làm nghĩa trang, đất sông ngòi ...). Đất bằng chưa sử dụng: 0.45 ha

Tài nguyên nước: Nước mặt: Nguồn nước mặt của xã Nam Đồng được cung cấp chủ yếu từ sông Thái Bình, sông Hương và các ao hồ trong thôn, khu dân cư. Nước ngầm: Nguồn nước khá phong phú, được người dân sử dụng qua các giếng khoan, giếng đào. Nguồn nước hợp vệ sinh đượng cung cấp từ nhà máy nước sạch Thanh Sơn cung cấp cho 100% hộ dân trong xã

Dân số, lao động: Xã có 5 thôn và khu dân cư có 2.653 hộ; 10.675 nhân khẩu; 5.624 trong độ tuổi lao động chiếm 53,85% dân số . Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân 1,1%/ năm.

+ Cơ cấu tổ chức: UBND xã Nam Đồng được UBND thành phố giao 21 biên chế quản lý nhà nước. Hiện có mặt 18 cán bộ, công chức (Cán bộ 09 người, Công chức 09 người) và Người lao động, bảo vệ 03 người.; trong đó: 01 bí thư kiêm chủ tịch, 01 phó bí thư kiêm chủ tịch HĐND xã, 01 phó chủ tịch HĐND xã kiêm trưởng công an xã, 01 chủ tịch UB MTTQ xã, 04 đoàn thể; Về trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức: Chuyên môn: Thạc sỹ 02; Đại học: 10; cao đẳng: 01; Trung cấp: 03, Sơ cấp: 02; Chính trị: Trung cấp: 16, sơ cấp: 01

+ Tổ chức Đảng, đoàn thể: Đảng bộ xã Nam Đồng,thành phố Hải Dương có12 chi bộ với 295 Đảng viên; Có tổ chức MTTQ và các đoàn thể: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, công đoàn , Đoàn thanh niên và các tổ chức hội: Hội Chữ thập đỏ, Hội Người mù, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Đông y, Hội sinh vật cảnh, Hội khuyến học và một số các tổ chức kinh tế, xã hội nghề nghiệp khác.

- Hội đồng nhân dân có 26 đại biểu trong đó có 8 nữ.

- Đặc điểm tự nhiên, xã hội:

Xã Nam Đồng,Thành phố Hải Dương có các cơ quan, đơn vị, trường cao đẳng nghề Hàng Giang TW I, có nhiều Doanh nghiệp và cụm công nghiệp Ba Hàng, đóng trên địa bàn, Có nhiều đầu mối giao thông quan trọng (bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ); Là một trong những động lực của vùng kinh kinh tế trọng điểm Bắc bộ và nằm trong vùng tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

2. Chức năng, nhiệm vụ:

Thực hiện Nghị quyết của Thành Ủy - HĐND - UBND thành phố Hải Dương ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu chung cho các phường xã như: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo, thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền và quản lý địa giới hành chính; thành phố - đô thị còn thực hiện các chức năng nhiệm vụ: Xây dựng và thực hiện qui hoạch tổng thể phát triển đô thị, qui hoạch chi tiết, kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; bảo đảm trật tự công cộng, giao thông đô thị; bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị; quản lý các cơ sở văn hoá - thông tin, TDTT, các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố.

Nam Đồng là phường thuộc vùng đồng bằng sông Hồng nằm ở phía Đông Bắc thành phố Hải Dương, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, với tổng diện tích tự nhiên là 889,62 ha, dân số thời điểm tháng 6/2022 là : 10.339 người cư trú tại 6 khu dân cư. Phường có vị trí thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố Hải Dương có giao thông đường bộ: Quốc lộ 5, Tỉnh Lộ 390 và tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua. Giao thông đường thủy: phía Tây của phường có 6 km sông Thái Bình, phía đông, phía nam có 07 km sông Hương. Đây là điều kiện, động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của phường.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Nam Đồng vừa lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, vừa đánh giặc ngoại xâm, vừa xây dựng xóm làng trù phú, hình thành nên truyền thống văn hóa lịch sử, xứng đáng là Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Truyền thống ấy là cội nguồn sức mạnh để Nam Đồng tiến những bước dài trong công cuộc đổi mới của đất nước và xây dựng quê hương giầu đẹp, văn minh.

Phường Nam Đồng có 6 khu dân cư: Đồng Ngọ, Vũ La, Phú Lương, Nhân Nghĩa, Khánh Hội, Tân Lập. Nam Đồng là một phường có tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp, nông nghiệp, gần đây phát triển thêm nghề nuôi cá lồng trên sông Thái Bình. Trên địa bàn phường có trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy số 1, đây là nơi đào tạo nhiều đội ngũ trí thức trong lĩnh vực giao thông thủy chỉ sau trường Đại học Hàng Hải của Hải Phòng​​